Giới thiệu nhanh về sản xuất kinh doanh rau quả Việt Nam

  1. Kim ngạch xuất nhập khẩu, diện tích gieo trồng và sản lượng rau quả 2018:

a) Kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả 2013 – 2018:

Kim ngạch xuất khẩu rau quả liên tục tăng trưởng nhanh từ năm 2013: 1,073 tỷ USD đến 2018 đạt hơn 3,8 tỷ USD.

Các thị trường xuất khẩu trái cây của Việt Nam được mở rộng và tăng trưởng mạnh. Từ 13 thị trường trên 1 triệu USD năm 2014, đến 2018 đã có:

– 14 thị trường trên 20 triệu USD

– 05 thị truờng 10 – < 20 triệu USD

– 36 thị trường đạt từ 1 – < 10 triệu USD                                                                                    Đơn vị tính: 1.000 USD

Năm 2013 2014 2015 2016 2017 2018
Xuất khẩu 1.073 1.489 1.839 2.461 3.502 3.810
Nhập khẩu 415 522 622 925 1.547 1.745

b) Kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả 05 tháng năm 2019:

1. Tình hình xuất nhập khẩu

Theo số liệu sơ bộ tháng 5/2019 từ Tổng cục Hải quan. Hiệp hội sơ bộ tính kim ngạch XNK rau quả 5 tháng như sau:

Kim ngạch xuất khẩu rau quả:

Tháng 05- 2019 sơ bộ đạt 358,695 triệu USD (Ba trăm năm mươi tám triệu sáu chín năm USD) giảm -23,1 % so với tháng 4 (462,474 triệu USD) và tăng 3,9 % so với tháng 5/2018 (345.385 triệu USD)

05 tháng xuất khẩu đạt 1.762,114 triệu USD (Một tỷ bảy trăm sáu mươi hai triệu một một bốn USD) tăng 6,1% so cùng kỳ 2018 (1.661,056 triệu USD)

(Trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 147.046 triệu USD)

Kim ngạch nhập khẩu rau quả:

Tháng 5-2019 Sơ bộ đạt 192,866 triệu USD (Một trăm chín mươi hai triệu tám sáu sáu USD) giảm -16,8 % so với tháng 04/2019 (229,828 triệu USD) tăng 32,5 % so với  tháng 5/2018 (145,574 triệu USD )

05 tháng nhập khẩu đạt 843.671 USD (tám trăm bốn mươi ba triệu, sáu bảy một USD), tăng 40,3  % so với cùng kỳ 2018 (426,694 triệu USD).

c) Về diện tích canh tác rau quả đến năm 2018:

Diện tích rau quả liên tục tăng trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng bình quân 6% / năm. Năm 2018, diện tích rau quả đạt hơn 1,8 triệu ha, trong đó cây ăn quả đạt gần 1 triệu ha cho sản lượng gần 10 triệu tấn. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT: Miền Nam có 14 loại quả có diện tích lớn (trên 10 ngàn ha / loại) trong đó lớn nhất là xoài (80 ngàn ha), chuối (78 ngàn ha), thanh long (53 ngàn ha), sầu riêng (47 ngàn ha), cam (44 ngàn ha), bưởi (44 ngàn hà), nhãn (35 ngàn ha), dứa (33 ngàn ha), chanh (27 ngàn ha), chôm chôm (25 ngàn ha), mít (20 ngàn ha), quýt (15 ngàn ha), bơ (14 ngàn ha), na (11 ngàn ha). Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng trồng cây ăn quả chủ lực (chiếm khoảng 58% diện tích cây ăn quả toàn miền Nam), tiếp đến là vùng Đông Nam bộ (17%), vùng duyên hải Nam Trung bộ (15%) và vùng Tây Nguyên (10%).

d) Cơ sở chế biến rau quả:

Cả nước hiện có khoảng 145 cơ sở chế biến rau, quả quy mô công nghiệp, với tổng công suất thiết kế 800.000 tấn sản phẩm / năm. Riêng miền Nam có 71 cơ sở chế biến. Ngoài ra còn có hàng ngàn cơ sở chế biến quy mô nhỏ.

2. Thuận lợi, khó khăn và thách thức:

a) Thuận lợi:

Điều kiện sản xuất:

– Nhờ cải cách hành chính, khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới, doanh nhân trẻ khởi nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đẩy mạnh mua bán, sát nhập doanh nghiệp có sự chuyển dịch chủ sở hữu vốn tại một số doanh nghiệp đã góp phần tích cực phát triển số lượng và quy mô hoạt dộng doanh nghiệp;

– Diện tích cây ăn quả chủ lực có thể mở rộng trên cơ sở rà soát chuyển đổi cơ cấu giống, chuyển đổi diện tích vườn tạp, diện tích cây trồng khác có hiệu quả thấp, xen canh trong diện tích trồng cây công nghiệp;

– Nhiều loại cây ăn quả chủ lực đã hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hoá; nhà vườn không ngừng nâng cao trình độ về kỹ thuật canh tác, chăm sóc và thâm canh, nâng cao (Unifarm, Lavifoods, Vegetexco, Vegetigi, Antesco, GOC, Doveco… ) và có sự hợp tác chia sẻ lợi ích cùng nhau phát triển.

– Bộ giống cây ăn quả đặc biệt là các giống đặc sắc, phong phú, có giá trị trong xuất khẩu và tiêu thụ nội địa: Việt Nam hiện có 298 giống thuộc 25 nhóm cây ăn quả chủ yếu được trồng trong sản xuất và khoảng 134 giống cây ăn quả bản địa thuộc 15 nhóm cây ăn quả ít phổ biến.

– Ngành rau quả tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương nhất là Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Công Thương. Đặc biệt, một trong các yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu rau quả là do phát huy tác dụng của Chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia định hướng phát triển ngành rau quả từ những năm 2014 đến 2018. Ngoài ra, Cục Bảo vệ Thực vật – Bộ Nông nghiệp và PTNT năng động, kiên trì thực hiện nhiệm vụ “đi đầu, mở cửa thị trường” cho rau quả. Vừa qua, đã hoàn thành thủ tục để được phép xuất khẩu Xoài sang thị trường Hoa Kỳ. Đây là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam (sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải thiều và vú sữa) được phép xuất khẩu sang thị trường này.

– Đất nước đang xu hướng hội nhập kinh tế thế giới, tăng tính cạnh tranh và không còn phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường nước bạn khi cam kết thực hiện các hiệp định FTA đa phương và song phương đã ký kết.

– Người nông dân Việt Nam cần cù, sáng tạo, có kinh nghiệm trồng cây ăn quả.

Thị trường:

– Kim ngạch nhập khẩu rau quả thế giới luôn ở mức cao và liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây: thống kê của tổ chức FAO trong 9 năm (2007-2016), giá trị nhập khẩu rau quả luôn ở mức trên 100 tỷ USD/năm, bình quân tăng 12%/năm (từ 110,7 tỷ USD lên 232,1 tỷ USD).

– Tác dụng của rau, quả đối với sức khoẻ con người ngày càng được quan tâm, phổ biến và trở nên thiết yếu.

– Theo dự báo của FAO, dân số thế giới tiếp tục tăng trưởng cao ở mức 1,1%/năm trong giai đoạn 2011 – 2020; dân số thế giới sẽ tăng thêm 2,5 tỷ người vào năm 2020 (riêng châu Á tăng 1,5 tỷ)

– Mức thu nhập của người dân tăng lên: triển vọng giai đoạn 2011-2020 tăng trưởng kinh tế thế giới đạt mức 3,2%/năm làm cho mức thu nhập dân cư được cải thiện; Cũng theo dự báo của FAO: thị phần rau quả có tỷ trọng lớn nhất trong nhóm thực phẩm tươi sống toàn cầu, trong đó rau và trái cây chiếm tới hơn 59% và có tốc độ tăng trưởng 2,88% trong giai đoạn 2016-2021.

– Thương mại rau quả thế giới tiếp tục bị chi phối bời các xu hướng chính: nhu cầu tiêu dùng trái cây nhập khẩu, trái cây lạ, đặc sản gia tăng; tiêu thụ mặt hàng trái cây an toàn, hữu cơ, có giá trị dinh dưỡng cao, thực phẩm chức năng; nhu cầu về sản phẩm chế biến tự nhiên / nguyên chất, tiện lợi, ăn liền…

– Cùng với thị trường lớn là Trung quốc, trái cây nước ta đã và đang gia tăng xuất khẩu cả về lượng và giá trị đến nhiều thị trường khó tính nhưng giá bán có hiệu quả.

– Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã tập trung đầu tư các dây chuyền sản xuất chế biến mới, công nghệ tiên tiến, hiện đại, nâng cao tỷ lệ sản phẩm quả chế biến, chế biến sâu và đa dạng…nâng cao giá trị gia tăng và góp phần mở rộng thị trường, dặc biệt là thị trường xa.

Nhìn chung, trong thời gian qua xuất khẩu trái cây nước ta tăng trưởng ở nhiều thị trường. Dự báo trong những năm tới thị trường xuất khẩu còn tiếp tục ổn định và phát triển mở rộng với 5 khu vực chính: (1) Trung Quốc (2) các nước ASEAN, Hong Kong và Đài Loan (3) Nhật Bản, Hàn Quốc (4) Hoa Kỳ và Canada (5) EU. Bên cạnh đó là các thị trường mới, tiềm năng như Ấn Độ, UAE, Australia và New Zealand.

b) Khó khăn, thách thức

– Tác động của biến đổi khí hậu (khô hạn, xâm nhập mặn,…), tình hình sâu bệnh gây hại, lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến tuổi thọ vườn trồng, năng suất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

– Hạn chế lớn nhất là khâu tổ chức sản xuất chưa thực sự đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu, đặc biệt là yêu cầu xuất khẩu; thiếu mô hình sản xuất theo chuỗi do quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, khó khăn cho hoạch định đầu tư, quản lý chất lượng và tiêu thụ, còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm trong việc liên kết sản xuất.

– Mặc dù có sự cải thiện đáng kể, tuy nhiên năng suất cây ăn quả nước ta nhìn chung còn thấp so với bình quân chung thế giới và khu vực, làm giảm hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, cá biệt có những vùng sản xuất cá thể đạt năng suất cao hơn so với bình quân chung của khu vực như: cà phê, hạt tiêu…)

– Diện tích trồng cây ăn quả áp dụng quy trình sản xuất an toàn (GlobalGAP, VietGAP) hoặc theo hướng an toàn còn thấp (10-15% trên tổng diện tích). Việc lạm dụng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật luôn là nguyên nhân dẫn đến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến thương hiệu trái cây Việt trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiện nay, 70 – 80% hàng nông sản Việt Nam khi xuất khẩu không mang thương hiệu của doanh nghiệt Việt Nam.

– Cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của sản xuất như hệ thống giao thông nội vùng, phương tiện vận chuyển chuyên dùng, chi phí logistic và giá cước vận chuyển cao…

– Hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm chưa chuyên nghiệp; thiếu chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng; chuỗi giá trị trái cây còn nhiều khâu trung gian làm giá thành tăng cao…

– Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao, công nghệ xử lý sau thu hoạch chậm được đâu tư cải thiện.

– Công tác nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng giống cây ăn quả còn thiếu và yếu, giống “yếu” nên phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng..

– Thiếu công nghệ và nhà máy chế biến sâu. Các sản phẩm chế biến chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu, tuy nhiên chưa đa dạng. Nhiều nhà máy chưa có vùng nguyên liệu ổn định.

– Rau quả có nhiều chủng loại nên còn nhiều mặt hạn chế trong lập hệ thống dữ liệu thống kê và thông tin thị trường, chưa nghiên cứu đầy đủ và toàn diện về cung cầu ngành hàng rau quả, đặc biệt là những thị trường lớn. Thị trường còn dựa nhiều vào thị trường Trung Quốc.

– Cạnh tranh thương mại giữa các nước sản xuất, rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm. Vừa qua, Trung Quốc yêu cầu chất lượng rau quả nhập khẩu ngày càng cao, có truy xuất nguồn gốc. Rau quả vào EU bị rà soát và xiết chặt quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra, gây bất lợi đến tiến độ xuất khẩu. Hiện nay EU đang tiếp tục dự thảo các quy định mới chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn chất lượng đối với một số sản phẩm trồng trọt nhập khẩu từ Việt Nam. Chẳng hạn tháng 11 năm 2018, EU thông báo thay đổi quy định kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu từ Regulation số 669/2009 chuyển sang Regulation số 1660/2018 đối với trái Thanh long Việt Nam – Lá nho (Thổ Nhỉ Kỳ), Lá cà ry (Ấn Độ), tần suất kiểm tra Thanh long là 10% áp dụng từ ngày 08/12/2018 trở đi.

(Nguồn: trích báo cáo tổng kết nhiệm kỳ III 2013-2019 của Hiệp hội Rau quả Việt Nam)