Chế biến là yếu tố đột phá để xuất khẩu nông sản bền vững – (HQ Online) – Tại tọa đàm “Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam” do báo Hải quan tổ chức ngày 26/6, các diễn giả đều có chung nhận định, chế biến là chìa khóa cốt lõi để nâng cao giá trị, hạ giá thành cho các sản phẩm nông sản Việt Nam khi đi ra thị trường quốc tế.

Tháo gỡ những “nút thắt” nào cho xuất khẩu nông sản?
Tọa đàm tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản: Chuẩn bị tâm thế cho nông sản Việt chinh phục các thị trường khó tính

che bien la yeu to dot pha de xuat khau nong san ben vung

Ông Nguyễn Quốc Toản chia sẻ về vai trò của chế biến trong việc nâng giá trị, hạ giá thành sản phẩm nông sản. Ảnh: C.L

Lý giải về sự quan tâm lớn của Chính phủ và toàn xã hội đối với hoạt động chế biến nông sản, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, nhiều loại trái cây đặc thù của Việt Nam gặp khó khăn khi xuất khẩu dưới dạng tươi do hàng rào kỹ thuật rất khắc nghiệt. Đặc biệt là việc xuất khẩu tới các thị trường xa bị hạn chế vì nếu đi đường hàng không thì chi phí quá đắt đỏ, ở mức khoảng 3,2 USD/kg, trong khi đường tàu biển lại vướng rào cản về thời gian vận chuyển quá dài.

Ông Nguyễn Quốc Toản cho biết, hoạt động chế biến nông sản đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ Chính phủ, doanh nghiệp cũng như toàn xã hội. Mới đây nhất, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 25/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

“Việc thúc đẩy khâu chế biến vừa giúp nông sản Việt Nam vượt qua hàng rào kỹ thuật, vừa nâng cao được giá trị” – ông Toản cho hay.

Cụ thể, trái chanh leo bán tại Gia Lai có mức giá chỉ 5.000 – 6.000 đồng/kg, nhưng qua siêu thị ở Canada thì giá cao gấp 7-8 lần. Hoạt động chế biến cũng giúp tận dụng được hàng “loại 2” để cho ra các sản phẩm khác và xuất đi bằng được tàu  biển.

Ông Toản cho biết thêm, hiện có khoảng 32.000 tỷ đồng đã được các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào chế biến, cho thấy dư địa rất lớn của lĩnh vực này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó  khăn. Để tạo được sự đột phá cho khâu chế biến thì cần có những chính sách về tín dụng; cơ sở hạ tầng logistics, kho lạnh, kho bảo quản và việc quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với chế biến ở các địa phương.

Liên quan tới vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, cần có chính sách vận động doanh nghiệp tham gia các hợp tác xã để hình thành các vùng trồng tập trung lớn có chỉ dẫn địa lý rõ ràng, dễ dàng áp dụng cơ giới hóa, trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap toàn diện. Từ đó mới cho ra những sản phẩm đạt chuẩn, chất lượng cao. Việc thành lập các hợp tác xã cũng giúp thuận lợi cho trong việc tiếp cận vốn ngân hàng để đầu tư máy móc, công nghệ…

Việc hình thành những chuỗi liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, Nhà nước và nhà khoa học cũng rất quan trọng. “Trái cây Việt Nam không thiếu thị trường tiêu thụ mà do chưa xây dựng được nhiều các chuỗi cung ứng đảm bảo số lượng và chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm” – ông  Nguyên phát biểu.

Là một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đã gặt hái được nhiều thành công tại các thị trường khó tính, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty xuất khẩu trái cây Chánh Thu chia sẻ: “Không phải chỉ xuất đi Mỹ, Úc thì mới làm hàng sạch. Việc sản xuất sạch là bảo vệ chính mình, giúp xây dựng thương hiệu và uy tín cho doanh nghiệp”.

che bien la yeu to dot pha de xuat khau nong san ben vung

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: C.L

Cũng liên quan đến vấn đề chất lượng nông sản, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ Doanh nghiệp cho rằng, để vượt qua “định kiến” về dư lượng của thị trường thế giới đối với nông sản Việt Nam, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, những tiêu chí khắt khe của Global Gap khiến cho việc áp dụng tiêu chuẩn này vào sản xuất tại Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.

Trước khó khăn như vậy, bà Hạnh cho biết, một tổ chức tiêu chuẩn toàn cầu đặt ở Đức, sở hữu một tiêu chuẩn phổ quát tạo thuận lợi tốt cho nông sản Việt đi vào thị trường thế giới đang hợp tác rất tốt với Việt Nam trong việc xây dựng một tiêu chuẩn bước đệm với chi phí và thời gian đạt chứng nhận chỉ bằng 1/3 của Global Gap. Đó chính là tiêu chuẩn LocalGap đang được Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao triển khai thực hiện ở Việt Nam.

“Tiêu chuẩn rất phù hợp này hy vọng sẽ mở ra triển vọng mới cho nông sản Việt Nam, chỉ với VietGap là có thể tiếp cận LocalGap để đi ra thị trường thế giới nhanh chóng và ổn định” – bà Hạnh chia sẻ.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan online

https://haiquanonline.com.vn/che-bien-la-yeu-to-dot-pha-de-xuat-khau-nong-san-ben-vung-128989.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *